Chiều 15/11/2017 tại một hội trường thuộc trường Đại học Tổng hợp Humboldt ở Berlin đã diễn ra một hội thảo chuyên đề về người Việt tại Đức với chủ đề „Cơ hội và thách thức đối với việc hội nhập và tham gia vào xã hội của người nhập cư Việt Nam và gia đình“.
Đây là hội thảo chuyên đề lần thứ 7 về người Việt ở Berlin do Hiệp hội công tác đa văn hóa (VIA) cùng các đặc trách viên về hội nhập của hai quận Lichtenberg và Marzahn-Hellersdorf tổ chức với sự tham dự của nhiều hội đoàn giúp đỡ người nước ngoài, những người quan tâm tới Việt Nam, trong đó có Giáo sư, Tiến sĩ Wilfried Lulei, một nhà Việt Nam học nổi tiếng.
Trong phát biểu chào mừng, ông Daniel Tietze, Quốc vụ khanh Bộ Hội nhập, Lao động và Xã hội bang Berlin đã đánh giá cao những đóng góp của người Việt vào đời sống kinh tế của Berlin, bày tỏ mong muốn sự tham gia tích cực hơn nữa của người Việt vào các hoạt động chính trị, xã hội ở Đức.
Tiếp theo đó, hai diễn giả thuộc thế hệ 1,5 của người Việt, tức là những người sinh ra ở Việt Nam và được cha, mẹ đón sang Đức theo diễn đoàn tụ gia đình ở tuổi thiếu niên đã đọc tham luận nói về quá trình trưởng thành của mình, suy nghĩ về vai trò của thế hệ này trong đời sống của cộng đồng người Việt ở Đức.
Diễn giả Đào Thùy Linh, đại diện Công ty Vlab đã đọc tham luận, kể về quá trình học tập và làm việc của mình và giới thiệu về Vlab, một doanh nghiệp nhằm chuyển giao kiến thức giáo dục và văn hóa Đức – Việt. Linh cho rằng thế hệ 1,5 của người Việt ở Đức có những lợi thế trong việc làm cầu nối về văn hóa, xã hội giữa thế hệ thứ nhất với xã hội Đức, vì họ vừa hiểu tiếng Việt, tiếng Đức, phong tục và tư duy của người Việt và người Đức.
Diễn giả Nguyễn Thị Như Quỳnh, Hội viên Hội Trống Cơm cũng phát biểu, kể về những ngày đầu bỡ ngỡ khi sang Đức, trải nghiệm „Sốc văn hóa“ và quá trình học tập, làm việc, chuyển từ „Thế giới kinh tế“ sang „Thế giới xã hội“, về con đường của mình đến với Hội Trống Cơm, một hội được thành lập từ trên 25 năm nay để giúp đỡ người Việt. Quynh cho rằng, những người làm công tác xã hội rất cần có trái tim nhân hậu và bày tỏ mong muốn có nhiều người Việt thuộc thế hệ 1,5 hơn nữa tham gia công tác xã hội.
Sang phần thảo luận, World Cafe được chia thành 5 nhóm để những người tham dự hội thảo có thể trao đổi, tranh luận về những chủ đề như „Những hình thức tham gia các hoạt động chính trị, xã hội“; „Tham gia công tác xã hội“; „Sống khi cao tuổi“; „Bản sắc giữa các thế hệ“ và „Sự phân biệt chủng tộc trong xã hội“.
Hội thảo chuyên đề về người Việt ở Berlin (theo tiếng Đức là Fachtag Vietnamesisches Berlin) được thường xuyên tổ chức từ năm 2010 tới nay, tập trung vào những chủ đề thời sự liên quan tới cộng đồng người Việt ở Đức, trở thành một diễn đàn quan trọng để trao đổi và kết nối các cơ quan, tổ chức chuyên môn ở Đức với cộng đồng người Việt.
Nguyễn Thị Như Quỳnh, Hội Trống Cơm phát biểu tham luận
Toàn cảnh hội trường
Nhà báo Trần Quỳnh, MC tại hội thảo
Thảo luận tại nhóm
Văn Long – Thoibao.de
>>> Mời các bạn bấm vào đây để xem thêm ảnh