Mục tiêu xử phạt giao thông: “Thuế ngầm”

Ngày 3/1, Tiến sĩ Luật về Công pháp Quốc tế – ông Nguyễn Quốc Tấn Trung viết trên trang Facebook cá nhân của mình, bài “Về “văn hoá” xử phạt giao thông” “Thuế ngầm”?”

Thoibao.de giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Trước tiên, mình cho rằng, dùng tấm ảnh [người tham gia giao thông dừng đúng vạch đèn đỏ] để làm minh chứng cho “hiệu quả” của việc tăng mức phạt, xử phạt hành chính giao thông tại Việt Nam gần đây, có lẽ hơi thái quá: Chúng ta rõ ràng có thể quan sát được một viên cảnh sát giao thông đứng ngay giữa hình?

Bốn năm trước, khi rời Việt Nam, mình chưa từng thấy một người dân (bình thường) nào chủ động vi phạm quy định an toàn giao thông trước mặt cảnh sát viên cả. Bức ảnh này, rõ ràng không phản ánh hiệu quả của việc tăng mức xử phạt hiện nay.

Ngoài ra, tranh cãi cũng như lo ngại của công chúng hiện nay, dành cho việc tăng mức xử phạt, trong bối cảnh và văn hóa phạt hành chính tại Việt Nam, là hoàn toàn hợp lý.

Tại Việt Nam, tất cả các hành vi, biểu đạt, và mục tiêu xử phạt (bỏ qua hết các vấn đề tiêu cực), dường như đều xoay quanh một mục tiêu chung, đó là TĂNG THU NGÂN SÁCH. Mọi mục tiêu khác (giáo dục công dân, phát hiện nguy hiểm bất thường trong lưu thông…) đều bị lu mờ.

Người sống ở thành phố Hồ Chí Minh lâu năm, chắc cũng biết rằng, đầu ra của 3 tuyến đường huyết mạch tỏa đi Tây, Đông, và Bắc thành phố, đều có các chốt chặn xử phạt thường trực. Trong các đợt cao điểm (lễ, Tết), có đến 3, 4 cảnh sát viên, có chức năng “ngoắc” người vi phạm. Còn lại là 5 đến 6 bàn ngồi “xử lý” người vi phạm. Như đã nói, ngay cả khi bỏ qua yếu tố tiêu cực, toàn bộ mặt ngoài của mô hình xử phạt này, là để… thu ngân sách, nhanh nhất và nhiều nhất có thể.

Từ mục tiêu đó, các lỗi nhỏ nhặt trong bối cảnh giao thông Việt Nam, như phạt lấn làn (trong khi làn đường dành cho xe máy trong cùng thường rất nhỏ, và hay bị hư hại, ngập nước), phạt chạm vạch dừng, phạt không bật xi-nhan khi quẹo phải… trở thành những lỗi phổ biến nhất, được sử dụng để dừng phương tiện và xử phạt. Nguồn thu từ đó mà trở thành một dạng “thuế”, nhanh chóng, ổn định, dồi dào.

Là người từng sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở cả Việt Nam, Canada, và châu Âu (Anh và Hà Lan), thực hành xử phạt này có thể nói là độc nhất vô nhị, chỉ có ở Việt Nam (nếu cho phép dùng trải nghiệm tại thành phố lớn nhất nhì quốc gia này để khái quát hoá thành câu chuyện của Việt Nam).

Hiển nhiên, ở các quốc gia nói trên, việc buộc lái xe dừng lưu thông vì một số hành vi, như vượt tốc độ, vướng vật thể lạ trên xe, hay tài xế có các dấu hiệu bất thường khác… vẫn thường xuyên diễn ra. Song, soi xét người điều khiển phương tiện giao thông xem họ có bật xi-nhan quẹo phải hay không, có cán một chút lên vạch dừng hay không… để lập chốt phạt hành chính nóng, lạnh, sôi để nguội… là hoàn toàn không tồn tại.

Mình không có quan điểm nào cụ thể về việc nâng trần mức phạt. Bộ Công an và Bộ Tài chính chắc hẳn có mấy trăm trang số liệu của các tỉnh qua nhiều năm, để lý giải cho mức phạt trên.

Nhiều người cũng có thể nói rằng, không muốn bị phạt thì đừng vi phạm.

Tuy nhiên, “văn hóa” xử phạt để tăng thu ngân sách trong thực hành hiện nay, rõ ràng là thứ mà đại bộ phận người dân đều có thể nhìn thấy. Ngay cả cái cách nói về tỉ lệ “chia” trong xử phạt giao thông, cũng quá khó để người quan sát không liên tưởng đến tính “thuế” của văn hóa xử phạt hiện nay.

******

Đồng tình với quan điểm của tác giả, nick Nguyễn Quang Hưng bình luận dưới bài viết:

“Bạn dùng từ “Thuế ngầm” là rất chuẩn, hay và đắt. Tham gia giao thông, nếu vi phạm chỉ là LỖI, chứ không phải TỘI. Nhưng mức phạt cao như thế thì là tội luôn rồi còn gì.”

 

Thu Phương – thoibao.de